Theo quan niệm của người Việt, những hoạt động trong 3 ngày đầu năm mới sẽ quyết định vận hạn trong cả một năm. Do đó, ông bà xưa đã xây dựng nên những điều kiêng kỵ tuyệt đối không nên làm ngày Tết và truyền dạy con cháu để cả năm luôn suôn sẻ và an lành.
Những điều cấm kỵ nên tránh trong dịp Tết Nguyên Đán đầu năm
Những điều tối kỵ dưới đây mà các gia đình không nên phạm vào những ngày đầu năm, xuất phát từ quan niệm từ xưa trong dân gian để tránh việc tiêu hao tiền tài, gia đình bất hòa.
Phong tục kiêng quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1 Tết
Theo quan niệm truyền thống người Việt, việc quét nhà và đổ rác vào ngày mùng 1 Tết cũng giống như đang quét hết tài lộc, may mắn trong năm mới ra khỏi nhà. Hơn nữa, người ta cũng cho rằng khi hốt rác trong nhà và đổ đi thì Thần Tài cũng sẽ đi mất. Chính vì vậy, mọi người thường vun rác lại một góc và đợi hết Mùng 1 Tết mới quét dọn đi.
Ngoài ra, sau khi dọn dẹp nhà cửa đón Tết Nguyên Đán, người ta thường phải cất chổi đi tránh làm mất chổi vào ngày mùng 1. Bởi đây được xem là điềm gở của năm mới, nhà sẽ bị trộm hết của cải, tiêu hao tài lộc.
Làm vỡ vật dụng
Từ xưa ông cha ta đã quan niệm rằng việc đổ vỡ đồ dùng trong nhà như: gương, ấm chén, bát đĩa,...là một trong những điều kiêng kỵ ngày Tết mà ai cũng nên tránh trong ngày đầu năm mới. Đây là điềm báo cho sự chia ly trong mối quan hệ nào đó, những điều không tốt lành sẽ xảy đến và các mối quan hệ trong gia đình đang diễn ra phức tạp sẽ có nguy cơ đổ vỡ, tiền tài mất mát. Chính vì vậy, vào những ngày đầu năm mới, mọi gia đình đều kiêng kỵ làm vỡ vật dụng trong nhà với mong muốn mọi việc hanh thông, may mắn, vạn sự như ý trong năm mới.
Vay mượn đầu năm
Đầu năm mới, một trong những điều kiêng kỵ ngày Tết đa số mọi người đều tránh đó là vay tiền, đòi nợ. Theo quan niệm xưa, việc cho vay mượn tiền đầu năm sẽ khiến cả năm đấy làm ăn thất bát, túng thiếu và luôn trong tình trạng nợ nần. Còn nếu cho người khác mượn tiền sẽ làm cho tiền bạc bị phát tán, mất lộc, “dâng" vận may, tiền tài của mình cho người khác, làm ăn không phát đạt.
Nói điều xui xẻo
Theo quan niệm xưa, những phát ngôn đầu năm có thể ảnh hưởng đến những việc sẽ xảy ra trong năm mới. Vì vậy, mỗi lời nói vào những ngày tết đều phải rất thận trọng, tránh nói những điều xui xẻo, nói tục dù chỉ là đùa vui. Những từ không nên nói ví dụ như: “Chết mất", “tiêu tan”, “đói kém",... Thay vào đấy, mọi người thường nói những điều tốt đẹp và trao nhau câu chúc may mắn, thịnh vượng ngày đầu năm.
Bỏ thừa thức ăn
Một trong những điều kiêng kỵ ngày tết mà ai cũng cần tránh đó là tránh ăn nhè, bỏ thừa thức ăn vì điều này sẽ khiến cho cả năm bị đói khát, mất mùa, tài chính eo hẹp... Ngoài ra, đầu năm nhiều gia đình cũng nên tránh chống đũa vào bát để công việc không bị chậm trễ, làm ăn thua lỗ trong kinh doanh.
Tuy nhiên, trong không khí hân hoan sum vầy ngày đầu năm không thể tránh được những lời mời ăn uống, tiệc tùng. Vì thế, việc bỏ thừa thức ăn đôi khi khó có thể kiểm soát. Và để chữa lại việc này, ở các bữa ăn lần sau, mọi người thường ăn cam, dưa, xoài,..những loại quả có vị ngọt, màu đỏ hồng để mang lại sự may mắn và thành công.
Kiêng kỵ mặc quần áo đen, trắng ngày Tết
Ngày tết, mọi người đều ưa chuộng và lựa chọn cho bản thân những bộ quần áo màu sắc rạng rỡ, vui vẻ, may mắn đặc biệt màu đỏ và màu vàng. Hai gam màu tượng trưng cho may mắn (màu đỏ) và thu hút tài lộc (màu vàng). Vì vậy, vào những ngày đầu năm việc mặc quần áo hạn chế cọn màu đen hoặc trắng. Bởi đây là màu tượng trưng cho điều xấu, vận xui sẽ đeo bám trong năm mới.
Không nên cho lửa, nước đầu năm
Người xưa cho rằng, lửa tượng trưng cho những điều may mắn và nước được ví như dòng chảy tài lộc trong gia đình. Do đó, vào đầu năm người Việt kiêng kỵ cho lửa và nước với mong muốn tiền tài trong năm luôn đủ đầy và không thất thoát.
Không đóng cửa nhà vào ngày đầu năm mới
Đây có lẽ là hoạt động Tết quen thuộc của các gia đình hằng năm. Trong phong thủy, cửa chính là nơi chào đón thần linh. Do đó, người xưa quan niệm, nếu đóng cửa vào những ngày đầu năm đặc biệt là mùng 1 sẽ cản bước chân thần tài và là bất kính với thần linh. Từ đó gia đình có thể cả năm đói kém.
Cấm kỵ chụp hình hoặc chúc Tết người đang ngủ
Theo quan niệm dân gian, hiện trạng nằm ngủ được xem là tư thế của người bệnh, người chết. Do đó, việc chụp hình hay chúc Tết người đang ngủ vô hình dung lại “rủa” người đó bệnh tật, mất mạng,... Đây là điều tuyệt đối cấm kỵ trong dịp Tết nhất là ngày mùng 1
Kiêng kỵ vỗ vai, quàng vai người khác vào ngày Tết
Vỗ vai, choàng vai thường là hành động thân mật của bạn bè, người yêu hay các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, người xưa quan niệm rằng việc làm này ngày đầu năm có thể khiến người khác gặp xui xẻo, có chuyện buồn hoặc lận đận trong tình duyên, hạnh phúc gia đình…
Không cãi nhau vào mùng 1
Tết là dịp sum vầy gia đình, bạn bè. Do đó không nên để những xích mích, hiểu lầm không đáng có ảnh hưởng đến ngày vui. Cãi nhau trong ngày đầu năm mới, đặc biệt là mùng 1 có thể khiến cả năm gặp chuyện không may mắn, buồn bã.
Kiêng quan hệ nam nữ đầu năm
Kiêng kỵ quan hệ nam nữ mùng 1 Tết là quan niệm xuất phát từ Nho giáo. Theo đó, các cổ nhân xưa cho rằng những ngày đầu năm cần giữ được sự sạch sẽ, tránh tà niệm. Hơn nữa các cụ cũng quan niệm mùng 1 là thời điểm âm dương xung khắc, không thích hợp cho việc phòng the.
Người có tang không nên xông đất
Có những điều kiêng kỵ mùng 1 Tết đã tồn tại từ lâu đời và trở thành phong tục được ông cha truyền lại cho con cháu. Không xông đất, đi chúc Tết khi nhà có tang là một trong những điều cấm kỵ đó. Người xưa quan niệm rằng, những người gia đình có tang khi đi xông đất hoặc chúc tết có thể mang đến vận xui cho chủ nhà.
Đầu năm không nên cắt tóc, cắt móng tay
Theo quan niệm tâm linh của người Việt, tóc hay móng tay là một trong những bộ phận trên cơ thể người. Do đó việc cắt tóc hay móng tay vào ngày đầu năm đặc biệt là mùng 1 Tết sẽ mang lại điều xui xẻo.
Kiêng kỵ giặt quần áo mùng 1, mùng 2 Tết
Theo dân gian, mùng 1, mùng 2 Tết là ngày sinh Thủy thần. Do đó, việc giặt quần áo vào hai ngày đầu năm là hành động mạo phạm thánh thần có thể mang đến điều xui xẻo, không may trong năm mới.
Không nên về nhà ngoại chúc Tết vào ngày mùng 1, mùng 4 và mùng 5
Theo tục lệ dân gian, mùng 1 là quan trọng nhất trong ba ngày đầu năm mới. Do đó các gia đình quan niệm ưu tiên tỏ lòng hiếu với bố mẹ, tổ tiên bên nội trước. Nên về bên ngoại vào mùng 3 và mùng 4 Tết để mang lại may mắn cho gia đình bên ngoại.
Những điều không nên làm vào đêm giao thừa 2024
Giao thừa là thời khắc linh thiêng, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Do đó, bạn cũng cần lưu ý những điều sau đây để nhắc nhở bản thân, gia đình tuyệt đối không nên làm trong đêm giao thừa để tránh gặp xui xẻo trong năm mới:
- Tránh gây ra tiếng động lớn.
- Cấm kỵ soi gương.
- Kiêng kỵ đổ dầu ra nền nhà.
- Kiêng vỡ đồ vật trong nhà.
Những thứ xui xẻo không nên mua vào đầu năm
Không chỉ hành động hay thận trọng trong lời ăn tiếng nói mà ông bà xưa cũng răn dạy con cháu lưu ý không nên mua những vật dụng sau nếu không muốn xui xẻo ập đến trong năm mới:
- Vật dụng sắc nhọn: dao, kéo, kim,...
- Vật dụng mang tính sát thương: chày, cối,...
- Quần áo, đặc biệt là màu trắng, đen
- Đồng hồ
- Hạt tiêu
- Chuối
Những món ăn kiêng kỵ không nên ăn vào mùng 1 Tết Giáp Thìn
Mâm cỗ ngày Tết của người Việt luôn đa dạng những món ăn ngon. Tuy nhiên cũng có một số món ăn bạn không nên ăn trong những ngày đầu năm để tránh mang đến xui xẻo. Các món ăn kiêng kỵ không nên dùng vào mùng 1 Tết nguyên Đán như sau:
- Thịt chó
- Mắm tôm, tỏi
- Trứng vịt lộn
- Cá mè
- Thịt vịt
- Sầu riêng
- Thịt chim
Những điều cần làm để tăng vận may tài lộc dịp đầu năm mới
Vào ngày tết để tránh những điều xui và tăng vận may tài lộc cho năm mới, nhiều gia đình thường chiêu tài lộc bằng những cách sau đây:
- Mua muối đầu năm: Việc này giúp trừ tà, trấn áp sát khí trong nhà. Đặc biệt, vị mặn và đậm của muối còn giúp cho tình cảm mọi người trong gia đình, bạn bè trở nên gắn kết và đầm ấm hơn.
- Đi lễ chùa: Đây không chỉ là hoạt động tâm linh mà còn là nét đẹp văn hoá Việt. Người dân thường đi chùa cầu cho gia đạo sức khoẻ, may mắn, mọi điều an khang thịnh vượng trong năm mới. Đây cũng là giây phút tâm hồn mỗi người được lắng đọng, thư giãn, hướng về nơi thanh tịnh sau một năm làm việc vất vả và mệt nhọc.
- Lì xì: Phong bao đỏ đầu năm tượng trưng cho những lời chúc sức khoẻ, mong mọi điều may mắn, bình an sẽ đến với ông bà, cha mẹ, con cháu. Bên cạnh hình thức lì xì truyền thống, lì xì online đang là xu hướng bùng nổ trong vài năm trở lại đây. Hình thức này không chỉ duy trì được nét đẹp trong phong tục lì xì ngày đầu năm mà còn là giải pháp nhanh chóng, tiện lợi trong thời điểm hạn chế tiếp xúc và nhiều người không thể về quê ăn tết như hiện nay.
- Hái lộc đầu xuân: đây cũng là một trong những cách để tăng vận may, tài lộc cho bản thân và gia đạo. Bởi mỗi cành lộc nhỏ tượng trưng cho sự khởi đầu mới đầu may mắn, suôn sẻ và hanh thông.
- Hoa tươi nở trong nhà tượng trưng cho điềm lành, sự cát tường và thịnh vượng cho gia đình trong năm mới. Hơn nữa, những cánh hoa nở rộ sẽ mang đến sắc xuân tươi mát tràn ngập trong căn nhà.
- Ngày tết, mọi người thường ưu tiên lựa chọn đồ màu đỏ, vàng rực rỡ vì điều này đại diện cho hạnh phúc, đầy đủ và sung túc trong năm mới. Đặc biệt, nhiều gia đình thường chọn màu vàng làm gam màu chủ đạo để trang trí nhà cửa hay phụ kiện đi kèm như áo quần, ví tiền,...với ước muốn thu hút tài lộc, tiền bạc cho cả năm.