“Đầu xuôi đuôi lọt” là cở sở lý luận của tập quán khai trương. Bất kỳ sự việc nào cũng có bắt đầu, và “vạn sự khởi đầu nan”, nếu đã mở đầu được và mở đầu một cách tốt đẹp thì sự việc sẽ phát triền đến kết thúc tốt đẹp, ít nhất là trong niềm hy vọng của con người. Vấn đề là làm thế nào để có một mở đầu tốt đẹp ?
Nghề buôn bán bất kỳ thời nào cũng không thể loại bỏ yếu tố may rũi trong công việc làm ăn. May rủi là một thực thế ở ngoài khả năng kiểm soát của con người nên người ta đành trông cậy vào những sức mạnh siêu tự nhiên,và trong tập quán khai trương không tránh khỏi những điều mê tín. Có một số nghi thức vô hại, có một số có tác dụng tích cực đối với việc buôn bán, đương nhiên cũng có vài điều bất lợi . người buôn bán mỗi đầu ngày đều có “mở hàng”, mỗi đầu năm lại “khai trương”, tùy theo tầm cỡ và tính chất việc làm ăn mà thực hiện những nghi thức khác nhau.
Một người buôn bán nhỏ ở chợ thì đầu ngày phải dọn hàng sớm, bày biện hàng hóa sao cho hấp dẫn khác, chuẩn bị cho mình một tâm lý phấn khởi chờ đón người “mở hàng” cho mình. Để cho sự “mở hàng” tốt đẹp, người bán phải chuẩn bị hàng hóa bao bì để làm vừa lòng khách hàng đã đành, lại còn phải chuẩn bị “tiền lẻ” để thối lại trong trường hợp cần thiết. Khách hàng đưa tiền mà mình bối rối vì không có tiền thối lại, khiến việc mua bán trục trặc là điều kiêng kỵ. Kỵ nhất là đầu ngày đầu năm mà đi “đổi tiền”. vỉ không ai muốn cái may (hoặc rủi) của mình chạy qua người khác hay ngược lại. Khách mở hàng đưa tiền lớn, người bán có sẵn tiền thối lại, tiền bạc sòng phẳng, coi như một mở hàng tốt đẹp, vì có “đồng ra đồng vào”.
Việc “thuận mua vừa bán” cũng là một mở hàng tốt đẹp; người bán thường không nói thách quá cao với người khách đầu tiên, e họ trả giá sát quá hay không chịu mua, mở hàng mà không bán được là xui xẻo. Người buôn bán dở cho rằng phải “chửi” người khách mở hàng mà không mua, hay đối phong long để xả xui. “vía” người mở hàng cũng quan trọng, những người “nặng bóng vía” mặt mũi lầm lì, tướng tá lù đù không nên “mở hàng” người ta. Người buôn bán có kinh nghiệm thường ghi nhận một số khách quen có “vía tốt”, mời mọc hya nhờ họ “mở hàng” để lấy hên.
Việc buôn bán là để kiếm tiền, nên nhiều người buôn bán thờ cúng Thần Tài, người bán hàng rong hay bán lẻ ở chợ thì thờ Tần Tài ở nhà, trước khi đi bán thì thắp một cây nhang để khấn vái Thần Tài phù hộ buôn may bán đắt. Ngày đầu năm đầu tháng hay rằm thì cúng hoa quả. Thường thì Thần Tài được thờ ở ngay cửa hàng, trước khi mở hàng chủ cũng thắp một nén nhang. Do yêu cầu phòng cháy, nhiều chợ đông qui định cấm đốt nhang hay giấy vàng bạc trong chợ, nên nhiều người chỉ khấn suông Thần Tài. Với luật lệ con người Thần Thánh cũng chước cho.
Tất cả những nghi thức “mở hàng” đầu ngày đó được “nâng cao” vào ngày “khai trương” đầu năm. Như cúng Thần Tài trang trọng hơn, có gà thịt tôm cua ngoài hoa quả. Trước khi khai trương phải chọn ngày giờ tốt, có người đi chùa rước lộc về gởi Thần Tài giữ, nhờ người có “vía tốt” mở hàng. Ngày tốt thường là ngày chẳn như mùng 2, mùng 4, mùng 6. Có khi ngày tốt nhằm vào mùng hai Tết, người ta vẫn cúng mở hàng, mua bán tượng trưng, rôì đóng cửa hàng đi chơi tiếp. Với những người buôn bán hàng ăn uống và làm dịch vụ giải trí ngày Tết thì không thể đợi đến ngày tốt mà bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Lúc đó phải coi giờ, vì trong ngày xấu vẫn có giờ tốt. Đại khái thần thánh cũng chước cho qui luật thị trường.
Những người kinh doanh lớn thì có nghi thức khai trương xôm tụ hơn, rước lân rồng đến cùng Thần Tài. Bài múa lân khai trương khác với múa lân chúc Tết. Rồng bạc và rồng vàng được ưa chuộng vì tượng trưng cho vàng bạc tới nhà. Sau phần múa lân rồng, thường có biểu diễn võ thuật và khí công. Người ta tin là điều đó đem lại “khí lực” cho công việc làm ăn phát đạt. điều đó cũng thu hút dân chúng tụ tập xem và cổ vũ, taọ không khí “tấp nập” cần thiết cho việc kinh doanh.
Khai trương mở hàng không chỉ là hoạt động thương mại mà còn là một khía cạnh văn hóa. Ngày xưa việc khai trương là nghi thức trọng đại được tiến hành nghiêm túc chặt chẽ, có nhiều điều kiêng kỵ. Ngày nay rất nhiều kiêng kỵ đã bãi bỏ vì không phù hợp nếp sống mới, và vì người buôn bán có tri thức hơn về quản l kinh doanh, hiểu biết thị trường. Thí dụ trước đây người ta không mua bán vào ngày mùng một Tết, nhất là thức ăn uống. (Lệ xưa nhà nhà đều dự trữ thức ăn cho ngày Tết, mùng Một không mua sắm).
Nhưng ngày nay tết nhất người ta lại kéo nhau đến các khu vui chơi, đương nhiên nảy sinh nhu cầu ăn uống. kinh doanh ẩm thực không thể nào “nghỉ tết” hay chờ mùng 6 mới khai trương. Nhiều người buôn bán nhỏ quanh năm suốt tháng không có cả ngày nghỉ tết, nên cũng không bận tâm chuyện “khai trương”. Nhiều người giỏi kinh doanh lợi dụng “khai trương” như một cơ hội quảng cáo, tính toán ngày giờ, nghi thức khai trương khoa học và dựa theo cơ chế thị trường, chủ động taọ thuận lợi cho việc làm ăn.
Tuy việc kinh doanh vẫn có yếu tố may rủi, nhưng người ta tự mình dốc hết sức rồi mới trông cậy đến trời.
Nhà văn Lý Lan