Đi chùa đầu năm, đặc biệt là lễ chùa ngày Rằm tháng Giêng là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt, nhưng đi lễ thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.
Nhiều người quan niệm đi lễ chùa đầu năm đặc biệt trong ngày Rằm tháng Giêng là để gửi gắm nguyện ước của mình về những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được đi lễ thế nào cho đúng và thường mắc những sai lầm khi đến chốn linh thiêng.
Cúng đồ ăn mặn
Theo quan điểm truyền thống của đạo Phật, đặc biệt là dòng Tu thiền đại thừa ở miền Bắc, đã vào chùa thì chỉ được cúng đồ chay, tuyệt đối không được mang đồ mặn. Đây là điều tối quan trọng, nhưng vẫn có nhiều người không để ý.
Đi lễ chùa ngày rằm tháng Giêng và những ngày đầu năm mới là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt từ xưa tới nay. (Ảnh minh hoạ)
Trong suy nghĩ của một số người, càng có mâm cúng rằm tháng Giêng thịnh soạn càng chứng tỏ lòng thành dâng lên Đức Phật nên họ dâng cả gà, lợn,… lên ban thờ trong chùa. Thế nhưng, hành động này đã vô tình phạm vào những điều cấm kỵ.
Chùa là nơi thanh tịnh nên khi sắm sửa lễ vật bạn phải chọn những lễ chay như hương, hoa quả tươi, oản, xôi chè.
Dâng lễ mặn cúng rằm tháng Giêng chỉ được áp dụng trong trường hợp đền chùa đó có các vị Thánh, Mẫu, Thành Hoàng,… Các vị này thường an tọa ở các khu ngoài chính điện. Lễ mặn có thể dâng gồm gà, giò, chả, rượu, trầu cau.
Ngoài ra, trong giới cấm của nhà Phật có rượu và thuốc lá. Vì vậy, trong lễ vật dâng lên ban thờ trong chùa không được có những món đồ "cấm kỵ" này.
Dâng vàng mã, sớ giấy
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng Phật tại chùa trong khi cúng rằm tháng Giêng. Nếu có sửa lễ này thì nên đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.
Bên cạnh đó, khi dâng hoa ở các đền chùa nên chọn các loại hoa thanh tao như hoa sen, hoa huệ, mẫu đơn, hoa cúc…, tránh dùng những loại hoa lạ, hoa dại.
Vào chùa nhưng không giữ cho tâm tịnh
Tu Phật không phải hướng ngoại mà cầu, là hướng vào chính bản thân mình, khơi dậy thiện niệm để Phật tính vốn sẵn có trong con người được khởi phát.
Vì vậy, khi lên chùa ngày rằm tháng Giêng, người đi lễ không nên “tham, sân, si”, cầu xin tiền tài. Trong đạo lý nhà Phật có dạy rất rõ, cần tránh xa lòng tham và sự mê đắm vật chất, cần phải buôn bán làm ăn chân chính ngay thẳng…
Cho nên, đi lễ chùa ngày rằm tháng Giêng vốn chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người, cầu sức khỏe và sự bình an cho chính bản thân.
Lấy lộc để bàn thờ tại nhà
Nhiều người có thói quen mang các đồ ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình, là không nên. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại; hơn nữa nhiều đồ có chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.
- Chỉ cần đặt tiền vào hòm công đức, không cần lấy giấy công đức. Nếu có lấy cũng không nên mang đặt lên ban thờ nhà mình để báo công.
- Không lấy cành lộc mang về đặt lên ban thờ nhà mình. Cành lộc chứa nhiều trường khí âm, bất lợi cho gia tiên, thần linh tại gia.
- Có thể lấy lộc là bánh kẹo, bao diêm, bật lửa nhưng đều không mang về đặt lên ban thờ.
- Bùa, phù chú... đa phần có trường khí âm, không nên mang về nhà, càng không nên đặt lên ban thờ hay nhét vào ví. Đặt bùa chú vào ví, cũng như luôn mang một trường khí âm, hỗn loạn theo người, chỉ gây thêm bất lợi cho bản thân mà thôi.
Cách hành lễ khi đi chùa ngày rằm tháng Giêng
Hành lễ đi chùa ngày rằm tháng Giêng cũng cần có phép tắc và thứ tự. Trước hết hãy đặt lễ vật lên và thắp hương ở chính điện trước.
Sau khi đặt lễ và thắp hương ở chính điện thì đi đến các ban thờ khác để đặt lễ và dâng hương. Nếu đình chùa có nhà thờ Tổ, nhà Hậu thì cũng cần phải ghé qua. Cuối buổi lễ sau khi lễ tạ để hạ lễ thì nên đến trai giới hay phòng khách để thăm hỏi và trò chuyện với các nhà sư và công đức nếu có.
Ngoài ra, khi đến chỗ linh thiêng, người dân cần chú ý mặc trang phục kín đáo, trang nghiêm.