Tết Nguyên đán cần chuẩn bị những món đồ đặc trưng mà bất kỳ nhà nào cũng có như: Mâm ngũ quả, thực phẩm, bao lì xì... để cả năm Giáp Thìn 2024 trọn vẹn và đầy đủ nhất.
Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam. Trong ngày Tết Nguyên đán, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn…
Với quan niệm ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật sớm và mới nên hầu như tất cả mọi người trên mọi miền tổ quốc đều tất bật chuẩn bị, dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị vào ngày này để đón một năm mới tràn ngập niềm vui và tài lộc.
Tảo mộ cuối năm
Vào những ngày giáp Tết, thường vào khoảng thời gian từ 20 tháng Chạp cho tới chiều ngày 30 Tết, các gia đình Việt Nam sẽ thường sắp xếp thời gian để đi tảo mộ. Theo quan niệm từ xưa tới nay của người Việt, để chuẩn bị cho năm mới thì mọi thứ đều cần được sửa sang cho mới mẻ, kể cả với phần mộ của những người đã khuất.
Khi đi tảo mộ, các gia đình sẽ thường mang theo nhang đèn, hoa quả, bánh kẹo cùng với trà nước để cúng bái, để mời tổ tiên về ăn Tết cùng với con cháu, để ngày Tết được sum họp, quây quần và có những mong ước tốt đẹp cho một năm mới sắp tới.
Từ 20 tháng Chạp cho tới chiều ngày 30 Tết, các gia đình Việt Nam sẽ thường sắp xếp thời gian để đi tảo mộ. (Ảnh minh họa)
Cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Tục cúng ông Công ông Táo đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết thì ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là người quản lý việc bếp núc. Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, họ lại cưỡi cá chép về trời để báo cáo những công việc trong một năm vừa qua của gia chủ và sẽ trở về vào ngày Giao thừa.
Bởi vậy, khi tới ngày này các gia đình sẽ dọn dẹp bếp sạch sẽ và có mâm cúng để tiễn ông Táo về trời. Mâm lễ cúng này tuỳ vào mỗi gia đình, tuy nhiên sẽ luôn có cá chép - phương tiện để ông Táo có thể về trời.
Dọn dẹp và trang trí lại nhà cửa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán
Để tiễn năm cũ đi và chào đón năm mới sắp đến, việc dọn dẹp nhà cửa là một phần không thể bỏ qua của các gia đình.
Bàn thờ là vị trí quan trọng nhất, việc chăm sóc và bài trí bàn thờ luôn được chú trọng hàng đầu nhằm bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, những người đã khuất và cầu mong tài lộc, hạnh phúc cho gia đình.Theo quan niệm từ xa xưa thì việc dọn dẹp nhà cửa sẽ giúp đem lại nhiều may mắn trong dịp năm mới.
Chọn hoa, trái cây cúng, cây cảnh trưng Tết
Dịp Tết Nguyên đán trong nhà bạn không thể thiếu một chậu cây quất, cây mai hay cây đào... để điểm tô cho sắc Xuân thêm rực rỡ. Bên cạnh đó, bàn thờ gia tiên cũng nên chưng loại hoa cúng đem lại may mắn cho gia chủ trong dịp Tết hằng năm như vạn thọ, cúc, cát tường, hoa hồng, loa kèn…
Còn với trái cây bạn không nên bỏ qua các loại ngũ quả may mắn theo phong tục 3 miền như: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung hay các loại trái cây có nhiều màu sắc để đem lại may mắn như quýt, chuối, bưởi, đào, hồng, táo …
Dịp Tết Nguyên đán trong nhà bạn không thể thiếu một chậu cây quất, cây mai hay cây đào... để điểm tô cho sắc Xuân thêm rực rỡ cũng như mâm ngũ quả được đặt trên bàn thờ.
Chuẩn bị sẵn sàng mứt kẹo Tết
Mứt Tết làm món ăn làm nên hương vị Tết, gia chủ thường mời mứt Tết thiết đãi khách tới chúc Tết. Nên mua đủ dùng trong ngày Tết không mua quá nhiều vì đa số các loại mứt hay bánh kẹo Tết có hạn sử dụng rất ngắn.
Chuẩn bị nguyên liệu, đồ uống cho Tết
Thông thường các ngày Tết chợ thường nghỉ bán nên mọi người thường đi mua sắm trước đó để có đầy đủ các nguyên liệu để nấu ăn trong ngày Tết. Bạn nên mua chuẩn bị trước những loại thực phẩm khô để nấu các món ăn như trứng vịt, trứng gà, măng khô, hành, tỏi … đặc biệt là các loại rau xanh tươi sạch vì thông thường ngày Tết chúng thường có giá khá cao.
Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn các loại củ kiệu, dưa muối hay bánh chưng, bánh tét để ăn trong ngày Tết. Ngoài ra bạn cũng nên mua sẵn các loại thịt để trữ ngăn đông, hay các loại chả, giò, khô gà hay khô bò để khách đầu năm có thể làm mồi để nâng vài ly rượu hay lon bia.
Chuẩn bị lì xì Tết
Thấy bao lì xì như thấy Tết vì thế trước Tết bạn hãy chuẩn bị tiền với đủ các mệnh giá để không bị khó xử trong những tình huống khác nhau, chẳng hạn như muốn lì xì hay mừng tuổi nhưng trong ví chỉ còn tiền với mệnh giá lớn.
Một điểm quan trọng mà bạn phải để ý đó là cần phải dùng tiền mới để làm tiền lì xì, bạn nên đi đổi tiền trước Tết, có thể tại các ngân hàng, hoặc bất cứ ai bạn có thể đổi tiền mới. Việc đựng tiền trong bao lì xì trông sẽ lịch sự hơn và người nhận cũng cảm thấy vui hơn nhờ màu sắc sặc sỡ của nó.
Làm đẹp cho bản thân để đón Tết
Với một năm làm việc bận rộn và vất vả thì Tết là dịp để bạn có thể làm đẹp lại bản thân với dịch vụ chăm sóc da và thư giãn, một kiểu tóc mới, một bộ móng tay mới hay đơn giản là những bộ quần áo mới và phụ kiện mới sẽ giúp bạn thêm một năm tươi trẻ với nhiều may mắn nhất.
Với một năm làm việc bận rộn và vất vả thì Tết là dịp để bạn có thể làm đẹp lại bản thân.
Tổng kết, thanh toán hết những khoản nợ trong năm cũ
Nếu bạn có nhiều khoản nợ trong năm thì bạn nên cố gắng trả hết nợ đừng để dây dưa sang năm mới. Nếu bạn để nợ kéo qua năm mới thì theo quan niệm người Việt sẽ mang lại điều xui xẻo và hao tài hơn trong năm mới. Vì thế dù gì bạn cũng nên cố gắng trả hết những món nợ trong năm cũ để sang năm mới đón thêm nhiều tài lộc hơn.
Bữa ăn tất niên
Dù bôn ba làm việc xa gia đình thì bạn cũng nên tranh thủ cố gắng sắp xếp mọi việc và về tham gia bữa cơm đoàn tụ đêm 30 Tết để tình cảm gia đình thêm gắn bó và bày tỏ sự thành kính với những người đã khuất, cùng nhau đi qua năm cũ và chào đón một năm mới với nhiều điều mới mẻ.