Một người cơ trí như Lưu Bang lại không thể nhận ra dã tâm của Lã Hậu hay sao?
Lưu Bang lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nhưng chỉ trong 7 năm đã có thể lập nên nhà Hán có ảnh hưởng lớn đến hàng nghìn năm sau. Dưới sự giúp đỡ của Lã Trĩ (sau này trở thành Hán Cao Đế Hoàng Hậu của Hán triều, gọi tắt là Lã Hậu), Lưu Bang đã có được nghiệp lớn trong tay mình.
Tuy nhiên, khi Lưu Bang qua đời, quyền lực trong triều rơi vào tay Lã Hậu, bà đã giết chết người phụ nữ mà Lưu Bang sủng ái nhất khi còn tại thế bằng thủ đoạn rất tàn độc.
Năm 187 trước Công Nguyên, người kế vị Lưu Bang là Hán Huệ Đế Lưu Doanh mất nhưng không có con nối dõi. Lã Hậu, lúc đấy là Lã Thái Hậu, sử dụng con của người khác để mạo danh hậu duệ của Hán Huệ Đế. Lấy lý do tân đế còn nhỏ, Lã Hậu đã chính thức lâm triều xử lý chính sự, mở đầu hiện tượng mà các sử gia gọi là "Lâm triều xưng chế".
Những năm tiếp theo, Lã Hậu từ từ diệt các thân tộc họ Lưu để phong vương cho người họ Lã, gieo mầm mống cho chuỗi sự kiện tranh chấp quyền lực trong triều đình nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Người đời sau gọi chuỗi sự kiện này là Loạn chư Lã. Hành động này của Lã Hậu gần như lật đổ nhà Hán.
Sự độc ác của Lã Hậu đã được thể hiện từ rất lâu.
Hàn Tín là một danh tướng bách chiến bách thắng, được Lưu Bang hết lời khen ngợi. Hàn Tín có công rất lớn giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Theo các nhà sử học, Lưu Bang sau này nghe lời các cận thần nên đã nghi ngờ Hàn Tín mưu phản. Tuy nhiên, ông không nỡ xuống tay với Hàn Tín. Chính Lã Hậu là người đã sát hại Hàn Tín để chặn đứt mối nguy hiểm về sau.
Có thể nói Lã Hậu độc ác hơn Lưu Bang. Vậy thì một người cơ trí như Lưu Bang tại sao không thể nhận ra dã tâm của Lã Hậu? Còn nếu đã nhận ra sự tàn độc của chính thê, tại sao ông không giết Lã Hậu từ sớm?
Nguyên nhân thật sự rất đơn giản.
1. Lưu Bang thật sự rất cần sự tàn nhẫn của Lã Hậu
Trong những năm đầu của thời nhà Hán, hoàn cảnh rất phức tạp, rất đông chư hầu vương chúng có thể nổi loạn bất cứ lúc nào, công thần mãnh tướng cũng không thể đếm xuể.
Lúc Lưu Bang còn tại thế cũng thường để Lã Hậu giúp đỡ mình. Mỗi khi ông xuất chinh, chính sự đều do Lã Hậu ở hậu phương đảm nhận. Có thể nói, Lưu Bang vô cùng tin tưởng Lã Hậu và khả năng của bà cũng rất xuất chúng. Lã Hậu có thể trấn áp các chư hầu lẫn công thần. Mặt khác bà còn có năng lực trị quốc không ai có thể phủ nhận.
Thái tử Lưu Doanh bản tính vốn hèn nhát và bất tài; do đó Lưu Bang đã từng muốn thay đổi người thừa kế. Nhưng bên cạnh Lưu Doanh vẫn còn một Lã Hậu đầy dã tâm, có thể giúp Lưu Doanh giữ vững thiên hạ trong tay nhà Hán.
Chính vì thế, Lưu Bang cũng phần nào yên tâm, thái tử vô năng nhưng đích mẫu lại là người có bản lĩnh đến mức đáng sợ. Ông không giết Lã Hậu vì tương lai của đất nước.
2. Lưu Bang đã an bài hậu sự rất tốt
Trong suy nghĩ của Lưu Bang, Lã Hậu dù có chuyên quyền đến thế nào cũng không thể lay chuyển bầu trời, không thể đoạt được cả thiên hạ của nhà Hán.
Trước lúc chết ông đã bố trí ổn thỏa cho Tào Tham, Trần Bình, Vương Lăng, Châu Bột (Chu Bột) và nhiều công thần phụ chính khác. Những người này rất trung thành với Lưu Bang và họ đều là những nhân vật rất hung hãn. Đặc biệt là Châu Bột, huynh đệ kết nghĩa của Lưu Bang. Lưu Bang từng nói, Châu Bột chắc chắn sẽ là người giữ vững thiên hạ giúp dòng họ Lưu.
Trong Bạch Mã Chi Minh (Lời thề Bạch Mã), Lưu Bang đã từng ước định với thiên hạ, khi dòng họ Lưu xưng đế vương chắc chắn sẽ xây dựng nền móng vững chắc cho đất nước. Một khi Lã Hậu trọng dụng người của dòng họ Lã quá mức ắt sẽ khiến thiên cả phản đối, quần thần lên án. Các lão thần như Châu Bột, Trần Bình, Tào Tham,... sẽ tạo thành một thế đối trọng với thế lực của Lã Hậu, vào thời điểm then chốt họ sẽ có thể lấy lại giang sơn cho nhà Hán.
Kết quả sau cùng hoàn toàn giống như định liệu của Lưu Bang. Lã Hậu đã phong vương cho rất nhiều người họ Lã, khiến người người oán trách, quần thần nhẫn nhục chịu đựng. Ngay sau khi Lã Hậu qua đời, Châu Bột lập tức hành động, tàn sát người thuộc dòng họ Lã và khôi phục nhà Hán.
3. Không nhẫn tâm xuống tay
Trong thực tế, người mà Lưu Bang biết ơn nhất cuộc đời chính là Lã Hậu. Khi ông chỉ là một thằng khố rách áo ôm, Lã Hậu đã không khinh thường mà còn chấp nhận gả cho ông. Đây cũng chính là cơ sở phát triển của Lưu Bang sau này.
Đặc biệt là những lúc ông tham gia chiến trận, Lã Hậu đã chăm sóc gia đình, nhất là phụ thân ông. Nếu không có Lã Hậu thì người này đã sớm chết từ lâu. Chính vì thế, Lưu Bang đối với Lã Hậu là cảm giác vừa hổ thẹn vừa cảm kích.
Nếu buộc Lưu Bang bắt chước Hán Vũ Đế lập kế giết hoàng hậu thì chắc chắn ông không thể làm được. Bởi vì năm xưa Lưu Bang không thể xuống tay giết Hàn Tín, huống chi là giết Lã Hậu.