Liệu pháp được ví như bí thuật giúp cải tử hoàn sinh này đã được người Mông Cổ áp dụng từ rất sớm.
Thời kỳ cổ đại được xem là giai đoạn hoàng kim của các loại vũ khí lạnh. Trong số đó, cung tên chính biến công cụ thường được sử dụng để tiêu diệt hoặc gây sát thương cho quân địch ở khoảng cách xa.
Trong nhiều bộ phim truyền hình cổ trang, người xem đã không còn xa lạ với đội cung thủ thường đứng trên cổng thành và bắn tên xuống quân địch ở phía dưới để bảo vệ thành trì.
Cũng bởi cung tên thời xưa được sử dụng phổ biến nên binh lính bị trúng tên đã trở thành chuyện cơm bữa.
Ngay tới bản thân Quan Vũ cũng từng bị thương vì mũi tên tới mức phải nhờ tới Hoa Đà cạo xương trị độc.
Trong trận chính biến Huyền Vũ Môn, Lý Thế Dân cũng lợi dụng sức mạnh của loại vũ khí này để lấy mạng Lý Kiến Thành.
Cung tên là một trong những vũ khí chiến đấu phổ biến vào thời cổ đại. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Khi bị trúng tên, phương pháp chữa trị phổ biến nhất là tìm cách rút đầu mũi tên ra khỏi cơ thể rồi dùng thuốc băng bó. Tuy nhiên hình thức chữa trị này chỉ hiệu quả nếu vết thương không quá nghiêm trọng.
Vậy cổ nhân xử lý thế nào trong trường hợp người bệnh bị mũi tên ghim sâu vào cơ thể và mất máu quá nhiều?
Năm xưa, Thành Cát Tư Hãn đã áp dụng một liệu pháp vô cùng đặc biệt để đặc trị vết thương do mũi tên gây ra.
Liệu pháp này khi mới nghe qua sẽ khiến nhiều người không khỏi hoài nghi. Nhưng sự thật là nó đã giúp ái tướng của Thành Cát Tư Hãn có cơ hội "cải tử hoàn sinh".
Đó chính là liệu pháp phúc yểm, nhét người bị thương vào trong bụng động vật.
Thuật "cải tử hoàn sinh" bí ẩn của người Mông Cổ
Cho bệnh nhân vào trong bụng động vật là cách chữa bệnh được người Mông Cổ phát hiện và áp dụng từ khi còn sinh sống trên thảo nguyên. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
"Nguyên sử" ghi lại, năm xưa khi Thành Cát Tư Hãn tiến hành tây chinh, đại tướng Quách Bảo Ngọc (hậu duệ của danh tướng đời Đường Quách Tử Nghi) đã từng bị trúng tên tới mức thập tử nhất sinh.
Bấy giờ, vết thương trên ngực của vị tướng họ Quách chảy máu không ngừng, thương thể vô cùng nghiêm trọng.
Khi đó, đại phu trong quân doanh dựa theo phương pháp truyền thống để xử lý vết thương nhưng tình trạng Quách tướng quân vẫn không có biến chuyển tốt.
Chứng kiến thấy ái tướng của mình vì một mũi tên mà khó giữ tính mạng, Thành Cát Tư Hãn đã sai binh lính giết một con bò sống, lấy hết nội tạng trong bụng, sau đó cho Quách Bảo Ngọc vào bụng bò.
Không ngờ rằng liệu pháp kỳ lạ này quả thực đã làm nên kỳ tích. Vị tướng họ Quách như được "cải tử hoàn sinh", từ từ hồi tỉnh, qua một khoảng thời gian điều dưỡng đã có thể khỏe mạnh xuất chiến giết địch.
Sau này, Ô Khoát Đài cũng từng dùng phương thức tương tự để chữa trị cho thuộc hạ của mình khi người đó bị trúng mũi tên trong trận đánh vào Sơn Tây (Trung Quốc).
Trên đường tiến quân tới Hồ Bắc, tướng lĩnh nhà Nguyên là Lý Đình từng bị trọng thương bởi pháo binh của quân Tống. Bấy giờ, chủ tướng Bá Nhan (1236 – 1295) đã áp dụng liệu pháp này để cứu sống vị tướng họ Lý.
Đưa người bệnh vào bụng động vật là phương pháp chữa trị hoàn toàn có cơ sở. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Phương pháp người bệnh vào bụng động vật để chữa bệnh còn được biết tới với tên gọi cổ là "liệu pháp phúc yểm".
Nhiều người không khỏi nghi ngờ về tính thực hư cũng như công hiệu của cách chữa bệnh kỳ lạ này. Nhưng sự thực là liệu pháp phúc yểm đã từng được ghi lại trong cuốn y thư nổi tiếng mang tên "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân.
Thậm chí, phương pháp đó đã được cổ nhân Trung Hoa nhiều đời áp dụng và tiếp tục duy trì đến tận thời nhà Thanh.