Tết Trung thu hay rằm Trung thu rơi vào ngày 15/8 âm lịch. Đây được coi là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là Tết trông trăng. Cùng tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu ở Việt Nam.
Tết Trung thu là một trong những ngày lễ lớn trong văn hóa truyền thống của người Việt. Tết Trung thu rơi vào ngày rằm tháng 8, tức 15/8 âm lịch. Theo dương lịch, Tết Trung thu 2019 vào thứ 6 ngày 13/9. Không chỉ là ngày lễ dành cho trẻ con, Tết Trung thu còn là dịp để gia đình Việt quây quần bên nhau, tăng tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Với trẻ nhỏ, hoạt động được mong chờ nhất ngày Tết Trung thu là "phá cỗ". Còn với người lớn, họ thường dành 1 tháng trước ngày rằm Trung thu để chuẩn bị cho cái Tết đặc biệt này.
Tết Trung thu là ngày lễ lớn của người Việt. |
Nguồn gốc Tết Trung thu
Về nguồn gốc Tết Trung thu, cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
Theo các nhà khảo cổ, hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân Thu. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa.
Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời như một cặp vợ chồng.
Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng.
Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung thu.
Theo sử sách, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm. Từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân, tế mặt trăng vào mùa thu. Theo âm lịch, ngày 15 tháng 8 là chính giữa mùa thu được coi là ngày “lành” để làm lễ tế thần mặt trăng.
Phong tục ngày Tết Trung thu ở Việt Nam
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, những người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua hoặc tự làm các loại đèn để trẻ em rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh nướng, bánh dẻo, kẹo ngọt, hoa quả. Đặc biệt trong mâm cỗ trung thu, mâm ngũ quả được trình bày rất cầu kỳ và đẹp mắt, trình bày những con vật như lợn, thỏ, chó, heo từ các loại quả. Những năm gần đây, nhiều chị em phụ nữ tự tập làm bánh trung thu cho gia đình, vừa đảm bảo ngon sạch, và cũng là hoạt động thú vị khiến ngày Tết Trung thu đáng nhớ và ý nghĩa hơn.
Bánh nướng và bánh dẻo - hai loại bánh truyền thống ngày Tết Trung thu. |
Bên cạnh phá cỗ, lễ hội rước đèn cũng rất được mong đợi. Nếu như ngày xưa, lễ hội rước đèn chỉ đơn giản là trẻ em, người lớn cùng khu phố, thôn xóm mang đèn ông sao, vừa rước đèn vừa hát, thì ngày nay, nhiều địa phương tổ chức lễ rước đèn với quy mô lớn. Dù được tổ chức theo quy mô nhỏ hay lớn, cũng đều phải thừa nhận rằng, lễ hội rước đèn luôn là hoạt động rộn rã tiếng cười tươi vui của trẻ nhỏ. Cùng với lễ hội rước đèn, những đoàn múa lân cũng làm tăng thêm không khí sôi động vào đêm trông trăng. Ngày nay, múa lân vẫn là hoạt động được duy trì mỗi dịp Trung thu đến.
Một tháng trước ngày rằm Trung thu, các khu phố bán đồ chơi, đèn ông sao đều nhộn nhip, tấp nập. Các loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp Tết Trung thu phải kể đến mặt nạ, đèn ông sư, đèn ông sao và đầu sư tử.
Ở Việt Nam, Tết Trung thu đến đi kèm nhiều phong tục truyền thống và hoạt động vui chơi. Nhưng dù được cử hành như thế nào, Tết Trung thu vẫn luôn là dịp để mọi người trong gia đình sum họp bên nhau, kết nối với nhau nhiều hơn để tình cảm gia đình thêm gắn bó.