TÌM HIỂU THÊM VỀ LỊCH SỬ TỬ VI (Trích lục của Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ) Lịch sử khoa tử vi Trung hoa và Việt nam Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ Quay về | Xem tiếp
II.- Nguồn
gốc khoa Tử-vi
Về nguồn gốc khoa Tử-vi thì
bộ Tử-vi kinh tức Tử-vi chính nghĩa, phần Hy Di tiên
sinh liệt truyện viết :
“Tiên sinh làu thông Dịch-lý,
Thiên-văn, Hình-tượng, Lịch-số, Địa-lý. Nhân thấy
các khoa đều có uyên nguyên với số mạng nhân sinh, do
vậy khải ngộ, soạn ra bộ Tử-vi kinh truyền cho đức
Thái-tổ nhà ta.” Vì vậy nguồn gốc khoa Tử-vi, có
thể kết luận rằng, đặt cơ sở trên :
- Học thuyết Âm-dương ngũ hành
của Dịch-lý.
- Từ Thiên-văn học, với những
biến chuyển của tinh đẩu.
- Từ Hình tượng học, tức khoa nghiên
cứu về hình dáng vũ trụ, con người và thú vật.
- Từ Lịch-số, tức khoa nghiên cứu
từ Thiên-văn, để tính sự tuần hoàn vũ trụ, tính ngày,
tháng, năm.
- Địa lý, tức Phong-thủy, nghiên
cứu về con người tương ứng với địa phương hướng
nhà khí hậu v.v....
1.- Tiểu sử Hi-Di tiên sinh
Tiên sinh họ Trần húy Đoàn
tự Hy-Di, người đất Hoa-sơn, ngày nay về phía Nam huyện
Hoa-âm tỉnh Thiểm-Tây. Khi ra đời tiên sinh bị đẻ non
tháng, nên mãi hai năm mới biết đi, thuở nhỏ thường
đau yếu liên miên. Tiên sinh học văn không thông, học
võ không đủ sức, thường suốt ngày theo phụ thân ngao
du khắp non cùng thủy tận.
Thân phụ tiên sinh là một nhà
Thiên-văn, Lịch-số đại tài đương thời. Về năm sinh
của tiên sinh, không một thư tịch nào chép. Nhưng căn
cứ vào bộ Triệu Thị Minh Thuyết Tử-vi kinh, khi tiên
sinh yết kiến Tống Thái-tổ Triệu Khuông Dẫn vào niên
hiệu Càn-đức nguyên niên có nói : « Ngô
kim nhật thất thập hữu dư », nghĩa là,
tôi năm nay trên 70 tuổi.
Vậy có thể tiên sinh ra đời vào khoảng 888-893 tức niên
hiệu Vạn-đức nguyên niên đời Đường Huy-Tông đến
niên hiệu Cảnh-phúc nguyên niên đời Đường Chiêu-Tông.
Tiên sinh bắt đầu học Thiên-văn năm 8 tuổi. Bộ Triệu
Thị Minh Thuyết Tử-vi kinh thuật :
" Tiên
sinh tám tuổi mà còn thơ dại, lúc nào cũng ngồi trong
lòng thân phụ. Một hôm thân phụ tiên sinh phải tính
ngày giờ mưa bão trong tháng, bị tiên sinh quấy rầy,
mới dắt tiên sinh ra sân, chỉ lên bầu trời đầy sao
mà bảo :
- Con có thấy sao Tử-vi kia không
?
Đáp :
- Thấy.
Lại chỉ lên sao Thiên-phủ mà hỏi :
- Con có thấy sao Thiên-phủ kia
không ?
Đáp :
-Thấy.
- Vậy con hãy đếm xem những
sao đi theo sao Tử-vi và Thiên-phủ là bao nhiêu ?
Thân phụ tiên sinh tưởng rằng
tiên sinh có đếm xong cũng phải trên nửa giờ. Không
ngờ ông vừa vào nhà tiên sinh đã chạy vào thưa :
- Con đếm hết rồi. Đi theo Tử-vi có năm sao, như
vậy chòm Tử-vi có sáu sao. Đi theo sao Thiên-phủ có
bảy sao, như vậy chòm Thiên-phủ có tám sao."
Từ đấy tiên sinh được thân phụ hết sức truyền khoa
Thiên-văn và Lịch-số.
2.- Truyền cho vua Tống
Giai thoại kỳ thú mà hầu hết
các nhà nghiên cứu Tử-vi đều biết, đó là Hi-Di tiên
sinh đã dùng khoa Thiên-văn và Tử-vi đoán trước được
hai đứa trẻ nghèo đói, sau đều trở thành vua. Bộ Tử-vi
chính nghĩa phần Hi-Di liệt truyện đã kể giai thoại
kỳ thú đó như sau :
“Một
hôm tiên sinh dẫn đệ tử ra sân xem Thiên-văn, chợt kêu
lên rằng :
- Kìa quaí lạ không ?
Đệ tử xúm lại nhìn theo tay tiên sinh chỉ thì thấy
sao Tử-vi, Thiên-phủ đi vào địa phận của sao Phá-quân
và Hóa-kỵ, mà ánh sáng chiếu xuống núi Hoa-sơn. Tiên
sinh noí :
- Tử-vi, Thiên-phủ là đế-tượng,
tức là vua. Tử-vi bao giờ cũng đi trước, Thiên-phủ
bao giờ cũng theo sau. Đây tức là anh em một gia đình
nào đó, đang buổi hàn vi, sau sẽ làm nên sự nghiệp
vẻ vang, vị tới đế vương. Phá-quân là hao-tinh chủ
nghèo đói, Hóa-kỵ chủ bần hàn, kêu xin. Phá ngộ Kỵ
thì nghèo đói phải đi ăn mày. Tử, Phủ gặp Phá, Kỵ
tức hai vị Thiên-tử chưa gặp thời phải đi ăn xin.
Tất cả chiếu xuống Hoa-sơn, thì hai vị Thiên-sử sẽ
qua đất Hoa-sơn ăn xin. Vậy ngày mai các người theo ta
xuống núi, giúp cho vị anh hùng vị ngộ, đang gặp lúc
cùng khó. Đệ tử thưa :
- Đệ tử nghĩ, nhân lúc
thiên-tử chưa gặp thời, ta nên cho người vay nợ, để
mai đây có dịp đòi nợ cứu giúp dân nghèo.
Tiên sinh đồng ý. Hôm sau thầy
trò xuống chân núi thấy một đoàn người chạy loạn
đi qua. Tiên sinh để ý đến một thiếu phụ gánh hai
chiếc thúng, trong mỗi thúng có một đứa trẻ khôi ngô
dung quang khác thường. Tiên sinh biết hai đứa trẻ này
ứng vào sao Tử, Phủ trên trời đây. Mới hỏi thiếu
phụ :
- Bà ơi ! Bà có mệt lắm không
? Bà gánh hai vị Thiên-tử đi đâu vậy ?
Thiếu phụ đặt gánh xuống thưa
:
- Con tôi đó, đứa lớn tên Triệu
Khuông Dẫn, đứa nhỏ tên Triệu Khuông Nghĩa. Từ sáng
đến giờ chúng đói không có gì ăn. Tiên sinh bố thí
cho chút đồ ăn được không ?
Tiên sinh đáp :
- Tôi xem thiên văn thấy dung quang
hai con bà khác phàm. Bà có nhớ ngày giờ sanh của chúng
không ?
Thiếu phụ cho ngày giờ năm sinh
của hai con. Tiên sinh tính số Tử-vi, thấy cách của Khuông
Dẫn là Tử, Phủ, Vũ, Tướng được Tả, Hữu, Khoa, Quyền,
Lộc củng chiếu. Ngặt đại hạn đang gặp Kiếp, Kỵ
nên nghèo khó. Số của Khuông Nghĩa là Thiên-phủ lâm
Tuất, ngộ Tả, Hữu, Khoa, Quyền đại hạn cũng đang
gặp Kiếp, Kỵ nên nghèo khó. Tiên sinh nói với học trò
:
- Hai đứa trẻ này là chân mạng
đế vương, khi đại hạn đi đến gặp Khôi, Việt, Xương,
Khúc, là lúc thành đại nghiệp đấy. Ta phải giúp đỡ
mới được, hầu mua lấy cảm tình, lúc thiên tử gặp
thời, có thể nhân đó giúp dân vậy.
Tiên sinh nói với thiếu phụ
:
- Tôi tính số thấy hai con bà
sau đều làm vua. Khi đã làm vua rồi, thì tất cả giang
sơn vạn dặm đều của con bà cả. Vậy bà bán cho tôi
giải núi Hoa-sơn này lấy tiền mà tiêu.
Thiếu phụ tưởng ông đạo sĩ
điên khùng mới mua núi. Bà đồng ý bán. Bởi bà không
biết chữ, nên xé vạt áo hai con quấn vào đôi đũa,
nhét trong một ống đũa, coi như văn tự trao cho Hy-Di tiên
sinh và nhận mười nén vàng.
Năm 960, Triệu Khuông Dẫn thống
nhất giang sơn, lên ngôi vua lập ra nhà Tống, sau là Tống
Thái-Tổ. Niên hiệu Càn-đức nguyên niên (963), quan trấn
thủ vùng Hoa-sơn dâng biểu về triều rằng: Có một đạo
sĩ tên Trần Đoàn, tự Hy-Di bao dưỡng dân chúng không
nộp thuế. Đạo sĩ nói rằng : Hoa-sơn là đất riêng
của ông, đã được nhà vua bán cho rồi. Tống Thái-tổ
không nhớ chuyện cũ, nổi giận, sai bắt Hy-Di tiên sinh
vào triều trị tội. Nhưng quan địa phương rất kính
trọng tiên sinh, không giám trói, còn đưa lừa cho tiên
sinh cỡi để lai kinh. Tiên sinh được giải vào triều
kiến. Thái-tổ hỏi :
- Đạo sĩ cũng phải tuân
theo phép nước chứ ? Hà cớ phao ngôn nói rằng đã mua
đất của triều đình ?
Tiên sinh đáp :
- Năm nay tôi đã trên 70 tuổi
đâu dám nói dối. Luật lệ của bệ hạ là : Đời
cha mẹ vay nợ, thì đời con phải trả. trước đây Thái-hậu
qua Hoa-sơn, có bán cho bần đạo toàn vùng này lấy mười
nén vàng. Văn tự còn đây.
Tiên sinh xuất trình ống đũa
và vạt áo. Thái-tổ truyền đem vào hậu cung hỏi Thái
hậu. Thái-hậu nhớ chuyện cũ vội kêu lên :
- Vị thần tiên ở núi Hoa-sơn
đây mà, người đã cứu nạn cho nhà ta xưa đây.
Thái-hậu kể chuyện xưa. Thái-tổ
và triều thần kinh sợ về tài tiên tri của tiên sinh,
vội tạ lỗi, lưu tiên sinh lại kinh, kính như bậc thầy.
Tống Thái-tổ hỏi tiên sinh về khoa Tử vi, tiên sinh rút
ra trong bọc tập sách nhỏ đề Tử-vi chính nghĩa trao
cho Thái-tổ mà tâu rằng :
- Đây là tất cả những tinh
nghĩa về khoa Tử-vi. Bần đạo không phải là người
đặt ra khoa này. Nhân người trước đã nói về Tử-vi,
bần đạo nhận thấy Dịch-lý, Hình tượng Thiên văn,
Lịch-số, Địa-lý đều có uyên nguyên với nhau, mới
tước bỏ những rườm rà của người xưa, họp thành
khoa Tử-vi mà thần viết trong tập này. Với khoa Tử-vi,
bệ hạ có thể biết kẻ trung, người nịnh, thời nào
tốt, thời nào xấu mà mưu đại sự. Đó là học
tới bậc sơ đẳng. Còn học uyên thâm hơn, có thể nhân
số mạng xấu, dùng người nào thì cứu được kẻ bị
nạn, và cứu như thế nào ? Thấy kẻ ác thì dùng người
nào, cách nào thì trị được, đó là học tới trung đẳng.
Còn học tới chỗ uyên thâm cùng cực, có thể làm đảo
lộn cả thiên hạ, nắm thiên hạ trong bàn tay. Nhưng bần
đạo kính dâng bệ hạ một câu, khi dùng tập sách này,
đó là :
Chữ Nhân,
đừng nên dùng vào những việc ác độc, tổn âm đức.
Tiên sinh được các quan xin coi
Tử-vi. Họ chỉ việc biên ngày sinh, tháng sinh, năm sinh
và giờ sinh, tiên sinh sẽ kêu ra vị đó đang giữ chức
vị gì trong triều, cùng sự lập thân ra sao, cuối cùng
sự nghiệp sẽ kết thúc như thế nào. Triều thần không
ai mà không kính phục.
3.- Cái chết của Hy-Di Sử
Sách không ghi tiên sinh ra đời
năm nào, mà cái chết của tiên sinh cũng rất mơ hồ.
Bộ Triệu Thị Minh Thuyết Tử-vi kinh viết :
« Niên hiệu Khai-bảo
thứ ba (972), Thái-tổ sai sứ đến Hoa-sơn thỉnh tiên
sinh, thì đệ tử cáo rằng tiên sinh ngao du sơn thủy đã
ba năm không thấy trở về.»
Sau trên mười năm không thấy
tiên sinh trở về, đệ tử tiên sinh cho rằng thầy đã
quy tiên. Họ họp nhau bầu lấy người chưởng môn. Nhưng
khi sinh thời tiên sinh gặp ai dạy người đó, trình độ
học trò không đều nhau, mà họ không biết nhau nữa.
Cuối cùng vì trong mười năm xa sư phụ, mạnh ai nấy
nghiên cứu thành ra khoa Tử-vi có nhiều dị biệt. Các
đệ tử của tiên sinh tự ý thu đệ tử, truyền dạy,
người có căn cơ thì dạy hết, người không có căn cơ
thì dạy ít, thành ra khoa Tử-vi trở thành một khoa bí
hiểm của riêng từng nhà, nhiều nhà còn giữ để làm
kế sinh nhai, do vậy mới có nhiều khác biệt nhau.
- Thư tịch về khoa Tử Vi
- Nguồn gốc khoa Tử Vi
- Khoa Tử Vi đời Tống
- Khoa Tử Vi sau Hi-Di
- Tử Vi vào Việt Nam
- Khoa Tử Vi đời Trần
- Khoa Tử Vi đời sau
- Dị biệt chính, Nam phái
- Kết luận